VĂN THÀNH LÊ
1.

Tháng Ba. Đêm mềm như tấm lụa thả xuống làng. Trăng non về sáng chừng như thức quá khuya đầy vẻ ngái ngủ khiến không gian càng huyễn hoặc. Mỗi gió là nóng. Gió quật từ bãi quặng vào. Gió cuốn sạch bách hơi sương không chút phân vân. Hanh và khô. Trơ ráp. Ngược chiều gió, giữa loãng lếch đêm, là phảng phất bóng áo trắng chấp chới, nửa muốn tan, nửa muốn hiện rõ hơn trong đêm. Tiếng chó cắn thảng hoặc vừa như đồng lõa vừa như phản kháng màn đêm tĩnh mịch.
Bóng trắng ấy là Yên.
Cuộc chuyện đầu đêm chẳng đi đến đâu dù cái đích vô cùng giản dị. Yên lên giường, trở mình kéo vỏ chăn mỏng đến vài lần mà vẫn trằn trọc không sao ngủ được dù đã bày đủ trò để ru cặp mắt ngoan. Bãi Xanh từ hồi chăn trâu cắt cỏ chập chờn mờ mờ tỏ tỏ về qua ngang đầu, lửng lơ và lao lung. Cho đến khi Yên thiếp đi vì mệt nhiều hơn là buồn ngủ thì rất nhanh, váng vất bên tai có tiếng giục đi, dậy đi nào. Nhanh như thể tiếng giục chực chờ giây phút ấy từ lâu rồi. Đi đâu? Yên lơ mơ hỏi. Đi đến đấy chứ đi đâu? Đấy là đâu? Đấy là đấy chứ đâu, hỏi lắm thế. Nhanh. Nằm đây để cãi nhau à. Tiếng nói bên tai, đúng hơn là trong tai, nhỏ nhưng trong và rõ, như có lực đẩy.
Yên dậy, gạt vỏ chăn sang bên, chui ra khỏi màn, lẳng lặng mở cửa chính ở gian giữa cố không để rớt lại thanh âm nào. Hai con chó có nhiệm vụ giữ nhà, con trên hè, con góc bếp, bình thường đã cắn ầm lên, đủ sức gây náo loạn cả góc làng, chẳng hiểu sao chỉ ngẩng đầu giương cặp mắt ngái ngủ xong rồi tiếp tục úp mặt lên hai chân trước, lim dim như kiểu chẳng xem Yên ra gì, vô hại. Tịnh không nửa tiếng rít kẽ răng. Cứ thế Yên đi. Ra cổng rồi theo hướng vào bãi Xanh trong bộ đồ ngủ màu trắng sữa thanh dịu.
2.
Lấp lửng tối Yên về đến làng. Tắm táp cơm nước xong là họp gia đình. Nói họp nghe có vẻ dậy màu… hành chính, thực ra là anh chị em trong nhà ngồi lại với nhau. Nội dung xoay quanh việc định đoạt số phận bãi Xanh.
Trước đó, anh thứ, sau vài cuộc điện thoại, lúc đầu còn bóng gió úp úp mở mở, sau xổ thẳng khăng khăng đòi bán khu bãi Xanh. Yên can ngăn. Vậy cuối tuần về nói chuyện. Mày không về xem như đồng ý. Tính háo thắng bị chặn ngang, nghẽn mạch, anh thứ quát vào điện thoại, riết róng và áp đặt, trước khi chấm dứt cuộc gọi.
Không khí căng thẳng ngay từ đầu. Anh cả, như tính tình trước giờ vốn vậy, buông câu cụt lủn: Tùy chú với cô. Nghĩa là có thể nghiêng sườn đông và cũng có thể nghiêng sườn tây, theo bất kể bên thắng cuộc nào. Không tham chiến nhưng cũng không ra cổ động viên và chẳng ra trọng tài, kiểu ngồi mát mà mơ… bát vàng. Anh thứ thì không, quyết bán. Bán bãi Xanh. Cơ hội đổi đời đấy chứ đâu. Ba trăm triệu chứ ít à? Thử xem bố mẹ bỏ xứ đi, quần quật cả đời đến lúc xuống đất còn lại mấy đồng? Rồi bác rồi cô nữa. Làm gì ra được từng ấy. Anh thật là. Sao anh nói bố mẹ thế. Bán bãi Xanh rồi sau các cháu làm gì. Làm nông không còn đất còn rừng khác nào người mất chân mất tay. Cô cứ lo bò trắng răng. Bán hết đất đi làm quặng. Cả làng này ai chẳng thế. Anh tính, quặng đâu phải thứ vô tận. Đào lên ăn xổi được ít bữa rồi đi đâu nữa. Khắc có cách sống. Thiên hạ họ chả chết hết đấy. Cô cứ hay lo hão. Lo cho nhà cô trên phố chưa xong mà còn…
Câu đá xoáy bỏ lửng của anh thứ làm Yên muốn xổ ra cả tràng dài. May kìm lại được. Nhũn nhão người. Chị dâu cả như sinh ra để bù đắp lại phẩm chất “răng cũng được, thôi thì tùy” của chồng, hồ hởi dẻo quẹo tiếp sức cho anh thứ. Tôi nghĩ nát ra rồi. Chỉ có bán. Tranh thủ giờ đang lúc nửa tối nửa sáng, vàng thau lẫn lộn, mấy thằng khai thác chộp giật tranh giành nhau. Để vài năm nữa nhà nước can thiệp sâu vào, qua cơn sốt, có muốn bán cũng chẳng ma nào mua. Chị. Chị nói thế chứ bán là hết. Không bán thì tiền vẫn dưới đất chứ đâu. Thời nào chứ, giờ nếu là tài nguyên thật sự không lo mất giá. Cô học nhiều hiểu rộng, đi Đông đi Tây nói bao giờ cũng hay. Chị chỉ biết sống nay lo nay, sáng ra còn mở được mắt là mừng. Giờ bán còn thấy đồng vào đồng ra chứ để đấy nuôi mấy cây keo thì, nói thật với cô, có đến mục thất. Chị. Ý em muốn giữ bãi Xanh chẳng phải làm khó dễ các anh các chị. Giữ đấy rồi sau cũng dành cho các cháu. Chứ em trót xa quê. Làng giờ thay đổi nhiều. Còn mỗi bãi Xanh cũng bán nốt. Mỗi lần về em chẳng còn gì bấu víu.
Chị dâu thứ là người Yên gần gũi nhất, đứng giữa hai làn đạn, đồng cảm với cô em chồng nhưng lại sợ chồng nên chẳng biết cất lời ra sao, chân tay miệng thành thừa thãi. Thôi, không lôi thôi – Giọng anh thứ chen vào – Bần cố nông lại học đòi tiểu tư sản lãng mạn, bấu với chả víu. Nếu cô vẫn cương quyết không chịu thông thì giữ lại phần đất của cô. Tôi với bác cả bán. Có mỗi việc sống sao cho sướng cho nhàn thân mà cô cũng không muốn thì tôi không hiểu được cô nữa. Còn mộ bố mẹ? Phần đất có mộ bố mẹ là phần của cô. Nếu cô thích chỗ khác thì sắp tới sang cát, tiện thể chuyển bố mẹ về xuôi. Anh! Anh không nhớ trước lúc mất bố dặn gì à? Anh cả! Chính anh là người cõng bố đi khắp bãi Xanh cho bố sờ từng thân cây, nhìn từng ụ đất trước khi bố mất. Bán đất cho người ta đưa máy vào khai thác quặng ầm ầm thì còn gì không gian của bố mẹ nữa.
3.
Từ nhà vào bãi Xanh khoảng một tiếng đồng hồ chùng chình đi bộ. Không chỉ thời gian, quãng đường ấy, Yên có thể nói cụ thể cần bao nhiêu bước chân thì đến. Nhắm mắt Yên cũng đi được. Thuộc như lòng bàn tay, như cung đường ở ngay trong đáy mắt.
Trước đây đồi núi là của chung. Cha chung không ai khóc. Trâu bò chăn thả tự do. Cây cối hồn nhiên lớn, ai thích chặt về làm của riêng cứ tự nhiên như của nhà… hàng xóm. Với người mình, đồ nhà mình còn tiếc chứ đồ hàng xóm thì không nghĩ ngợi gì, càng nhiều càng ít. Sau nhà nước có chính sách giao đất khoán rừng đến từng hộ dân, để bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bãi Xanh khi ấy mới thành của riêng nhà Yên. Tính ra bãi Xanh xa làng nhất, không ai nhận nên mới đến lượt bố Yên. Vào độ tháng Ba, sa lan bung sắc đỏ. Chẳng hiểu sao bãi Xanh lại tập trung nhiều sa lan nhất, kéo sâu vào tận chân núi lớn. Đỏ nhức nhối. Đỏ căng đầy. Nhức nhối tuổi thơ lấm lem bùn đất. Căng đầy ước mơ hoài bão vươn xa. Bùn đất ở lại. Ước mơ lớn lên. Khái vẫn thường hái sa lan cho Yên. Từng chùm. Từng chùm. Đẫm mắt. Đẹp đến lạ lẫm. Như không thực. Cái sắc đỏ ngọt và hương thoang thoảng dịu như bao bọc bãi Xanh, bao bọc kí ức hứa hẹn sẽ thổn thức nơi Yên.
Ở bãi Xanh, Yên cảm giác được là mình nhất, tự do và yên ả. Cả bãi này, đất trời này, từng vạt sa lan nữa, đầy đặn trong mắt Yên. Những chiều gối đầu lên cỏ non bên cạnh vạt sa lan để mặc tưởng tượng bay nhảy theo gập ghềnh trăm nẻo vạn đường mới thật là dễ chịu. Những chiều gom cánh sa lan lưng lửng nón rồi xuống suối thả cho ánh nhìn dập dìu trôi theo vệt đỏ mới thật là đẹp. Bất giác Yên quay sang Khái, hỏi: Khái có tin sa lan và bãi Xanh cũng có hồn không? Hỏi chỉ để mà hỏi, hỏi như có gì đó nhảy vào miệng Yên và cất lời bâng quơ thay chủ nhân. Mặc Khái ngơ ngác loay hoay với “có” hay “không”, Yên nới xa ánh mắt cho trí tưởng rong ruổi theo mây trời. 
4.
Lúc Yên lên xe về quê, chồng còn cằn nhằn với theo, kêu chán đến tận cổ rồi. Về đến nơi, vấp phải miếu làng, mọi thứ càng thêm chồng chất. Ba trong một. Lại bị anh thứ, vốn xung khắc với Yên từ bé, nói như hắt nước vào mặt, như cố tình đâm bị thóc chọc bị gạo, thọc gậy bánh xe. Yên bồng bềnh ở trạng thái không trọng lượng, lơ lửng, vô định.
Mơ hồ nhận ra chuyện vợ chồng dường như đã chạm ngưỡng, đến đỉnh. Chồng Yên chỉ chờ thời điểm để giật nụ xòe rũ tung tất cả những gì hai người vun vén bấy lâu. Tình yêu – hôn nhân – gia đình hóa ra không như phép toán. Dù ở đấy đòi hỏi phải có phép cộng của tình thương tình yêu, phép trừ của những thiếu sót cần bù đắp cho nhau, phép nhân của cảm thông và sẻ chia, phép chia của tổn thương và mất mát.

Thời điểm ấy là khi Yên nêu ý tưởng đưa miếu làng vào danh sách hạng mục công nhận di tích lịch sử, cần trùng tu bảo tồn trong một đề án trọng điểm với nguồn vốn rót về khá hậu hĩnh. Chồng gạt ra, với đủ lí do vụn vặt. Yên biết đấy chỉ là cái cớ, quan trọng nhất, chồng không muốn xé vụn cục tiền lớn, bởi càng xé vụn càng khó ăn chia.
Người ta có thể tính toán với bất kể thứ gì, riêng lòng người e là chịu. Mò kim đáy bể thì thuận vợ thuận chồng tát biển Đông vẫn cạn để có thể mò ra, chứ lòng người, xem ra dò được bước sóng nhau vô cùng khó. Vợ chồng cùng nghề. Tưởng dễ dàng hiểu và cảm thông cho nhau. Hóa ra không. Chia sẻ và cảm thông là ở tính người, là từ yêu thương. Nếu không, hiểu nhau chỉ tổ để thiết lập mảng miếng, thêm chiêu bài phủ định nhau.
5.
Yên chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình phải làm gì đó để bảo vệ bãi Xanh. Với Yên, bãi Xanh là nơi bất khả xâm phạm. Của gia đình. Và của riêng Yên. Đấy là bảo tàng kí ức. Miên viễn. Xác tín rõ ràng. Cơn lũ quét ám ảnh làng năm nào như vẫn còn đó. Giữa đêm bố thúc cả nhà dậy. Đi ngược vào bãi Xanh. Trong mưa và gió. Trong sấm và chớp. Lũ về nhanh chưa từng thấy. Nhanh và kéo dài. Lì lợm. Nhiều nhà trở tay không kịp, bị nước cuốn đi xuôi, ngủ giấc dài ngàn thu. Quạ đen kêu rã họng từ những ngọn tre. Những ngày sau đó, gia đình Yên bị cách li hoàn toàn bởi lênh láng nước. Trời kiên nhẫn mưa thâm mặt đất, thâm mặt người. Âm âm u u. Những củ mài nơi bãi Xanh đã cứu đói gia đình. Rồi chính cánh hoa sa lan từ miệng một thầy mo người Thượng đã cứu Yên thoát khỏi cửa tử bởi nọc độc của rắn trốn lũ. Cồn cộn kí ức. Cồn cộn ngày hôm qua. Cồn cộn bao điều bãi Xanh oằn mình dung chứa.
Chung quy chỉ tại thứ có tên là quặng. Nghe đâu bắt đầu từ lần đoàn thăm dò địa chất về làng. Sau nửa tháng đoàn cuốn gói đi. Dọn dẹp hiện trường chẳng để lại vết tích gì trừ đứa con trong bụng chị bán hàng xén quá lứa lỡ thì. Không lâu sau có tin sủi lên, nói đất vùng này có quặng. Quặng cromit. Dân dáo dác hỏi quặng là gì, cromit là gì. Những câu hỏi tự trôi. Chẳng cần biết. Chỉ biết có người mua quặng. Mua với giá cao vời cao vợi. Hơn hẳn giá trị các loại nông sản là mũi nhọn kinh tế bốn lờ của vùng với lúa lang luồng lạc cộng lại.
Lần về trước, Yên chết sững. Cổng làng rêu phong, chứng nhân bao đời của làng, bị kết liễu, chết tức tưởi. Cây sanh hơn trăm tuổi ngay cạnh cổng làng được quật lên, bê đi, tiện đường dễ thi triển gạch đá bê tông. Trơ trơ cổng chào to cao ốp đá hoa cương nhại theo Khải hoàn môn tận bên nước Pháp như thách thức kí ức thăm thẳm ngự trị nơi Yên. Loạt hoa văn đắp nổi hình trống đồng cách điệu, chẳng hiểu sao đàn chim lạc lại cho bay theo chiều kim đồng hồ. Không kịp về nhà, Yên chạy thẳng đến nhà cụ cao niên, người có tiếng nói quan trọng nhất làng, thẽ thót thưa chuyện, thì nhận được cái phủi tay gạt đi, đàn bà con gái biết gì, dân ngụ cư ở góp mà ý kiến gì. Cái gì, bản sắc với văn hóa à, truyền thống với giá trị tinh thần à? Cái gì thì cũng phải để làng mở mày mở mặt, đi lên với người ta chứ. Cụ khẳng khái trọng nam khinh nữ kiên định bảo thủ nói thế. Làng từ ngày có quặng thay đổi đến ngỡ ngàng. Đồng tiền lạnh tanh mà đáng sợ. Quặng đen sì óng ánh mà kinh. Đêm cũng như ngày, phía bãi quặng náo nhiệt ồn ào điên cuồng ầm ập. Người dưới xuôi cũng đàn đàn lũ lũ kéo nhau đến. Lán trại. Nhấp nhô. Lố nhố đào bới. Cả vùng rộng lớn lỗ chỗ như mặt trăng. Nhiệt độ như ở xứ mặt trời. Vì quặng là thứ hấp nhiệt, hấp đến đêm vẫn không chịu nhả ra. Kể ra thay da đổi thịt được phải mừng. Mừng quá đi. Con người ta sống, phấn đấu là vì điều ấy chứ cao sang gì đâu. Cố gắng để hôm nay hơn hôm qua, ngày mai hơn hôm nay, tương lai hơn hiện tại. Giản dị vậy thôi. Chẳng hiểu sao mỗi lần về quê Yên lại cảm giác khó thở hơn. Khó thở với kiểu lột xác của làng. Nếu như bò sát mỗi lần lột xác là mỗi lần… trẻ ra, đẹp hơn, thì trong mắt Yên, cách lột xác của làng cứ lồ lộ trần trụi sự nhuôm nhoam sao đó. Vô lí không chịu được. Kiểu như gái quê e lệ dịu dàng chân chất nết na một mực giữ nếp nhà bị xềnh xệch lôi vào spa hết làm tóc xăm lông mày đến phẫu thuật thẩm mĩ gọt cằm độn mông nâng ngực và váy áo sexy khoe tất thảy ngồn ngộn ra ngoài.
6. 
Ngay chiều qua. Chuyện trùng tu miếu làng và làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử còn vương trong ý nghĩ dẫn đến đỉnh điểm xung khắc với chồng, thì đến làng, ghé qua miếu trước khi về nhà, Yên muốn buông xuôi mọi chuyện.
Hồi cải cách bài trừ mê tín dị đoan, thi đua cùng cả nước lập thành tích đập phá đền chùa miếu mạo, làng lấy miếu thờ tướng công làm nơi chứa phân đạm, thuốc trừ sâu của hợp tác xã. Sau phục dựng lại. Miếu là nơi hương khói, linh thiêng của làng thì giờ, trước mắt Yên không còn là miếu nữa. Cơ ngơi mới. Kiến trúc chùa nhiều miếu ít. Trước sư tử đá của Tàu, sau hàng cây cao niên trụi lủi. Vào trong mới té ngửa, tượng tướng công được thay mới. To lớn đồ sộ gấp vài lần tượng cũ. Thắp nén hương té ngửa lần hai. Tên doanh nghiệp thu mua quặng khắc ngay vào tượng với chữ cung tiến. Quảng cáo ma mãnh thế là cùng. Xuống khu nhà ngang thấy tượng tướng công cũ theo thời gian đã lên nước bị quăng nằm chỏng chơ. Té ngửa thêm lần ba.
Không lẽ cứ cao to là hay hơn thấp bé. Mới là hơn cũ. Không. Thời gian. Chính thời gian và sự tôn kính làm nên giá trị văn hóa. Cái hồn cái vía luôn được chưng cất từ thời gian. Linh thiêng linh khí linh diệu là kết tủa của thời gian. Người cho phá miếu trước kia sau hóa điên tán gia bại sản. Chẳng biết kẻ cho đập miếu xây chùa thay tượng tướng công rồi sẽ ra sao. Gì chứ, với thần phật không đùa được. Không hiểu cặn kẽ thì tốt hơn hết chỉ nên cung kính.
Có vẻ như người làng chưa được chuẩn bị, chưa sẵn sàng để trở thành người làm chủ những đồng tiền lớn. Ví dày không quyết định được con người ta có phải là người sang hay không. Cái đầu phải lớn song song, thậm chí là đi trước cái ví, bằng không cái ví chỉ có thể nằm ở mông chứ không thể ở ngực, nơi trái tim vẫn rộn ràng thầm thịch đập.
7.
Quặng như cơn lũ. Lũ của người. Lũ trời đã khó lường, lũ người còn khó lường hơn. Quặng cuốn trôi cổng làng xanh rêu trầm mặc. Quặng cuốn trôi miếu làng dung dị thâm nghiêm, hăm hở muốn cuốn trôi bãi Xanh đỏ màu kí ức. Càng khai thác vào hướng gần bãi Xanh trữ lượng quặng càng cao. Người ta muốn lật tung bãi Xanh lên. Lật tung mộ bố mẹ Yên lên. Lật tung cả miền xanh thẳm hôm qua của Yên nữa.
Hồi ấy, cả làng có mỗi Yên và Khái học cấp ba. Mọi người nhìn vào thấy có gì đó như… không bình thường. Cuối cấp mà Yên và Khái vẫn một buổi đến trường một buổi theo trâu vào bãi Xanh. Đấy là cả hai được ưu tiên. Chứ bạn bè bằng vai phải lứa không dìu dặt vợ chồng, chồng vợ cũng phải lăn lưng ra đồng ngoài bãi mới gọi là theo đúng lộ trình. Hết thâm canh đến xen canh rồi quảng canh. Lanh canh đầu tắt mặt tối từ bảnh mắt đến khi đi ngủ. Thành ra Yên và Khái to đầu nhất lũ chăn trâu. Có thâm niên chăn trâu nhất làng. Có nhà ba bốn anh chị em lần lượt thay nhau đi chăn trâu cùng với Yên và Khái.
Những quả đồi nối liền nhau như những cái bát úp, ví von hơn nữa thì như bầu vú phì nhiêu của đất mẹ. Thường lũ trẻ chỉ dám cho trâu ăn ở mấy quả đồi phía ngoài vì vào sâu là cây cối rậm rạp hơn, lại có nhiều mộ của người Thượng, chúng sợ. Chỉ Yên và Khái là lớn tướng, chẳng sợ gì. Cho trâu vào tận bãi Xanh, ở đấy cỏ nhiều, sa lan lại càng nhiều hơn. Mặc trâu thả sức say sưa cỏ, cả hai say sưa ôn bài rồi say sưa nhau lúc nào không hay. Tịnh tiến. Chậm nhưng dần đều. Rồi bữa ấy mưa. Mưa núi thì biết đấy. Nhanh. Mạnh. Bạo liệt. Như đánh úp. Chiếc áo mỏng manh của Yên càng trở nên mỏng manh hơn trước sức nước nhà trời. Mưa. Núi đồi đồng bãi mờ mờ ảo ảo. Mưa. Nhấp nhô núi đồi nơi Yên cũng ảo ảo mờ mờ. Và Khái nữa, vồng ngực chàng trai mười bảy dáng vóc Thạch Sanh cựa quậy. Sa lan bời bời rụng theo mưa. Trôi. Trôi theo suối. Yên và Khái cũng trôi. Trôi theo miền hoan lạc. Trôi. Trôi. Ngút ngát. Miên man. Rồi khựng lại bởi gặp barie, là anh thứ của Yên, người anh cục mịch chẳng hiểu sao luôn ganh tị với Yên từ bé lại xuất hiện đúng lúc ấy. Á à! Đi giữ trâu để ôn bài là thế này à? Ôn bài hay là ôn nhau, hả bọn ôn con? Định giở trò chim chuột đực cái à? Thằng ranh này, muốn đi tù mọt gông không? Tao là tao chém cả họ nhà mày.
Anh thứ vừa tru tréo vừa lao vào Khái. Một vai u thịt bắp cục súc quen kéo cày quát trâu và một thư sinh sách vở trói gà chưa chặt. Trận chiến không cân sức. Mặc kệ Yên tủi thân xen xấu hổ lẫn hoang mang gào thét anh trai buông Khái ra. Mặc kệ trời mưa. Mặc kệ sa lan theo nước mưa nhấp nhô đỏ cả con suối.
Cuộc đụng độ bất đắc dĩ khiến mầm tình mới nhú bị gãy ngang. Ứa nhựa. Chẳng biết có phải do vậy mà Khái rớt đại học, dù Khái là niềm tin và hi vọng lớn của cả trường, đành lỡ bước sang ngang vào trường trung cấp lâm nghiệp. Mỗi Yên đi xa, mang theo cơn mưa đầu hạ với cánh sa lan bay rối trời tơi tả.
8.
Yên và chồng trước cùng phòng. Chồng vào nghề trước Yên vài năm, là người hướng dẫn, kèm cặp Yên tập sự, lúc còn chân ướt chân ráo. Đi điền dã. Đi thực tế. Cách tiếp cận tư liệu rồi xử lí tư liệu ra sao. Chồng là người cầm tay chỉ việc cho Yên. Giúp Yên xóa bỏ mớ lí thuyết suông cũ rích lên men bốc mùi từ các giáo trình của nền giáo dục bảo thủ trì trệ thế kỉ trước và các lời rao giảng suy – dinh – dưỡng – thực – tế của thầy cô giáo sư tiến sĩ ngủ quên trong tháp ngà giảng đường để xắn tay khám phá công việc sinh động và lấp lánh đẹp với quá khứ. Cặp đôi đẹp nhất cơ quan thành vợ chồng không lâu sau khi đề tài đứng tên hai người được nghiệm thu. Thêm bé trai được nghiệm thu nữa, kết tinh tháng ngày dệt mộng đẹp an yên.
Một số đề tài chồng Yên đứng tên chủ nhiệm được đánh giá cao, là yếu tố quan trọng cho quyết định thăng tiến cá nhân, chủ yếu đều là kết quả nghiên cứu của Yên. Đóng vai trò cộng sự nhưng Yên là người làm việc nhiều nhất. Chồng Yên làm việc chủ yếu trên… bàn nhậu. Với chồng Yên, càng về sau văn hóa và di sản cha ông càng phảng phất hơi bia hoặc nồng nặc mùi rượu ngoại, gần với hội họp, với xét duyệt đề án lớn đề án nhỏ, với quẩn quanh lập đề án và giải ngân và đi mây về gió.
Yên chấp nhận đứng sau chồng. Lấy thành công của chồng làm thành công của mình. Vậy mà không yên. Tên là Yên mà đời không yên. Chồng Yên chọn em thư kí soạn văn bản còn dính lỗi chính tả, bù lại có ngoại hình mặt tiền thoáng ở ngực, nở hậu ở mông và gầm cao ráo làm người đứng sau thành công của mình, còn Yên đứng sau rốt. Quả là ông Tạo khéo đùa. Ông Tạo cũng đùa luôn cả Khái. Ra trường ngược xuôi vài nơi mơ tưởng thay mấy chữ “bần cố nông” trong tờ khai lí lịch ở mục thành phần xuất thân thành “công chức” bất thành, do ở đâu cũng thẳng mặt ra giá kiểu “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Khái không xuôi. Khái đi ngược. Ôm “ba trăm lạng” ngược đồi ngược núi xây dựng trang trại cho riêng mình. Ba chìm bảy nổi, sống dở chết dở với nuôi con gì, trồng cây gì, tưởng không ngóc đầu lên được mới chạm ngày hái quả. Cứ như trời thử lòng trao cho mệnh lớn. Trang trại dần dần thành hình, là mấy quả đồi liền kề, là màu xanh dịu mát tương phản với khu khai thác quặng càng ngày càng được nới rộng ra.
9.
Tảng sáng. Nhá nhem mặt người, Yên sững sờ khi Khái xuất hiện và lặng lẽ ngồi xuống cạnh mình, lúng túng với hai tay đầy cánh hoa sa lan.
Khái đi đâu sớm vậy? Yên ngạc nhiên. Câu này mình hỏi Yên mới phải. Mình quen đi quanh trang trại mỗi sớm, cũng là tập thể dục luôn. À! Trang trại mở rộng ra đến ngoài này rồi. Mình đãng trí quá.
Khái có tin sa lan và bãi Xanh cũng có hồn không?
Câu hỏi từ thuở mới lớn không dưng trở về. Nhưng lần này không phải bâng quơ nữa làm Khái lúng túng. Từ ngày làm trang trại, mỗi lần chạm mắt đến sa lan là Khái lại mung miêng nhớ câu hỏi của Yên hồi nào.
Đêm qua có tiếng giục mình ra đây. Rồi mình đi. Như mộng du. Cứ như sa lan và bãi Xanh gọi mình. Làng mình giờ thay đổi quá. Chẳng còn gì là của mình nữa. Mỗi lần về là mỗi lần như đi lạc. Anh mình muốn bán bãi Xanh. Đến bãi Xanh cũng không còn thì… Yên nói với Khái mà như độc thoại với chính mình. Câu cuối trở nên lơ lửng, không còn điểm tựa để cho lời đi hết.
Mình đang tính mở rộng trang trại thêm nữa. Hay để mình qua nói chuyện với mấy anh.
Khái nói thật chứ? Yên như người chết đuối vớ được cọc. Mình học rồi hành nghề giữ kí ức cho khắp nơi mà với làng mình, nhà mình, thì chịu.
Câu nói của Yên tựa như tiếng thở dài. Nhói và buốt. Đau và bất lực. Ánh mắt Yên chạm vào cái nhìn mấp mênh của Khái, cái nhìn thuở mới lớn chưa kịp xa. Giữa bãi Xanh và sa lan đỏ. Chập chờn. 

Trại sáng tác VNQĐ Đà Nẵng, tháng 3/2016
V.T.L

theo Tạp chí văn nghệ Quân đội