Có thể nói rằng chúng ta tiếp thu với trí thông minh của ta, trẻ thơ hấp thụ với chính sự sống tinh thần của trẻ. Trẻ thơ học nói ngôn ngữ mẹ đẻ đơn thuần bằng cách tiếp tục cuộc sống của mình. Điều này giống như một phản ứng hóa học tinh thần đang diễn ra bên trong đứa trẻ. Chúng ta là bình chứa, các ấn tượng được rót vào, chúng ta nhớ và giữ chúng lại trong đầu, nhưng chúng ta vẫn cách biệt khỏi các ấn tượng của chúng ta, tựa như nước vẫn tách biệt khỏi ly thủy tinh. Trẻ em trải qua một sự biến đổi. Ấn tượng không những thấm vào đầu trẻ mà còn tạo thành trí óc của trẻ. Trẻ em trở thành hiện thân của các ấn tượng đã tiếp thu. Đứa trẻ biến những gì có sẵn trong môi trường xung quanh thành chính cái “da thịt tinh thần” của bản thân. Chúng tôi gọi cái loại tâm trí đó của trẻ thơ là Tâm trí thấm hút.

Quyển sách này được dựa trên các bài giảng mà bác sĩ Maria Montessori đã trình bày ở Ahmedabad, trong khóa huấn luyện đầu tiên sau khi bà bị quản thúc tại Ấn Độ cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Trong đó, bà phô bày các năng lực trí tuệ độc đáo – các năng lực khiến cho trẻ có khả năng kiến tạo và thiết lập một cách vững chắc tất cả những đặc tính của nhân cách con người chỉ trong vòng vài năm mà không cần tới giáo viên, không cần bất kỳ sự trợ giúp giáo dục thông thường nào. Thành tựu của một sinh linh được sinh ra với những tiềm năng lớn lao nhưng yếu ớt về mặt thể chất và trên thực tế, không có bất kỳ một trải nghiệm đời sống tâm thần nào, một sinh linh có thể được coi là con số không nhưng chỉ sau sáu năm đã vượt trội hơn tất cả các sinh vật khác, thật sự là một trong những bí ẩn lớn nhất của sự sống. Trong quyển sách này, bác sĩ Montessori không chỉ chiếu rọi ánh sáng của sự thấu thị sâu sắc lên hiện tượng ở thời kỳ sớm nhất nhưng lại là thời kỳ tiên quyết nhất trong đời sống con người, dựa trên sự quan sát tường tận và đánh giá đúng đắn, mà còn chỉ ra trách nhiệm của người lớn đối với nó.

Một trong những nguyên tắc được biết đến nhiều nhất của Phương pháp Montessori là “sự chuẩn bị môi trường”; ở giai đoạn này của cuộc đời, trước khi đứa trẻ đến tuổi đi học, nguyên tắc này cung cấp chìa khóa dẫn đến nhận thức về việc giáo dục từ khi mới sinh về việc nuôi dạy, một cách đích thực, một cá thể con người ngay từ buổi khởi đầu. Đây là một lời khẩn cầu dựa trên cơ sở khoa học nhưng cũng là lời khẩn cầu của một người đã chứng kiến và hỗ trợ các biểu hiện của bản chất trẻ thơ trên khắp thế giới, những biểu hiện của sự vĩ đại về trí tuệ và tâm linh, những biểu hiện tạo nên một sự tương phản gây sửng sốt so với hình ảnh mà nhân loại đã tạo ra, mà trong đó, trẻ thơ bị bỏ bê trong thời kỳ định hình và chịu những ảnh hưởng to lớn đến sự sinh tồn của chính trẻ khi lớn lên.

Tác giả:

Maria Montessori (1870 – 1952) sinh ra ở Chiaravelle, Italia và mất tại Noordwijk, Hà Lan. Bà là phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Y khoa, Đại học Roma (1894). Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về giáo dục trẻ em, dựa trên một số khái niệm do bác sĩ E. Séguin khởi xướng. Từ năm 1900 đến 1907, bác sĩ Maria Montessori giảng dạy tại khoa Giáo dục nhân học tại Đại học Roma và được bổ nhiệm làm thanh tra các trường học của Nhà nước Italia (1922).

Bà viết sách về lối giáo dục mà bà đã triển khai và thực hiện nhiều khóa huấn luyện giáo viên ở Espaã, Ấn Độ, Anh quốc và Hà Lan. Ngày nay, hệ thống giáo dục do bà sáng lập, Association Montessori Internationale (AMI), để đại diện và giám sát, có mặt tại hơn 100 quốc gia, ở tất cả các châu lục trên thế giới, đã góp phần tạo dựng một nền tảng thiết yếu và đích thực cho sự giáo dục trẻ em nhằm xây dụng một thế giới hòa bình và tiến bộ cho nhân loại.

Trích đoạn nội dung:

  1. Chỉ có sự quan tâm đến nhân cách con người, chứ không phải sự trao truyền kiến thức, mới đưa ta tới sự giải thoát. Trước mắt chúng ta là một thực thể tinh thần, một nhân cách xã hội vĩ đại giữa muôn vàn cá thể, một nguồn năng lực thế giới cần phải được xét đến. Nếu sự giải thoát và trợ giúp xuất hiện, đó là nhờ trẻ thơ; bởi trẻ thơ là kẻ kiến tạo nên con người.
  2. Trẻ thơ được phú ban cho một năng lực bí ẩn và cái năng lực vô danh này hướng dẫn chúng ta đến một tương lai xán lạn hơn. Giáo dục không còn chỉ là sự trao truyền kiến thức, nó phải đi theo một con đường khác. Việc chú trọng đến nhân cách, phát triển các tiềm năng của con người phải trở thành trung tâm của giáo dục.
  3. Cũng như con người đầu tiên bước đi trên mặt đất và sau này canh tác trên đó mà không hề biết đến hay quan tâm đến những kho báu mênh mông đang nằm khuất kín sâu bên dưới, con người ngày nay tiến bộ về văn minh mà không hề biết đến các kho của cải đang nằm chôn vùi bên trong thế giới tâm thức của trẻ thơ.