Theo mẹ đi chợ Đồng Xuân – Tác giả: Vũ Thế Long

Thưở nhỏ, tết đến là Mẹ hay cho tôi lên chợ Đồng Xuân . Với tôi, đứa trẻ lên 5, được ra khỏi nhà đi chơi xa là một niềm vui vô bờ bến.

Mẹ mở tủ lấy cho tôi bộ quần áo sạch sẽ. Chiếc quần Tây có hai dải treo qua vai cho khỏi tụt có cái yếm trước ngực . Áo bỏ trong quần, đi dép xăng đan da có tất. Đầu chải ngôi tươm tất…Đấy là lối mặc của trẻ con Hà Nội thưở ấy.

Mẹ mặc áo dài, cuốn vành khăn nhung, xách chiếc làn mây và dắt tôi ra đầu ô Cầu Dền đợi tàu điện. Tàu vừa đỗ, tôi nhanh nhẹn theo mẹ lên toa đầu. Tôi thích nhất cái toa này vì cả hai đầu tàu đều có bánh lái. Người lái tàu cầm cái cần điều khiển hộp số bằng đồng năng trịch, tay quay cái vô lăng xoay tròn để điều khiển cần vẹt. Lần nào lên tàu tôi cũng tranh thủ dận  mấy cái vào  núm chuông dưới chân bác lái tàu. Cái núm đồng to bằng miệng bát, tròn, nhẵn, bóng loáng. Dẫm một cái thì tàu phát ra tiếng chuông leng keng. Bác lái già thấy trẻ con ăn mặc sạch sẽ, chẳng phàn nàn mà còn cho tôi dậm thêm cái nữa. Người bán vé cầm trong tay cái cặp vé bằng da bóng nhẵn với những tập vé màu hồng,màu xanh, màu vàng. Trẻ con như tôi không mất vé.

Mẹ dẫn tôi ngồi vào hàng ghế băng nhưng tôi quỳ lên nghển cổ nhìn ra thành tàu để xem tàu xe đi lại. Qua khỏi chợ Hôm, đến Hàng Bài rồi lên Bờ hồ. Tàu tàu vượt dốc qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là tới chợ Đồng Xuân. Nhà cửa san sát, người xe tấp nập như mắc cửi.

Cảnh quan phía trước chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1950. Ảnh: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Xuống cửa chợ, không khí náo nhiệt hiện ra nay trước mắt. Trước cửa chợ là một dãy những ông bán kẹo hồng, bánh bò, với những chiếc bàn xếp mặt tròn.Ông bán kẹo tay luôn cầm chiếc kéo dập lách cách mời chào. Xế bên cửa chợ là mấy bà bán cà cuống đang ngồi nhể tinh cà cuống cho khách.

Mẹ dẫn tôi vào gian giữa. Một âm thanh ồn ào khó tả. Ngôi chợ lợp tôn trên hệ khung sắt đồ sộ với những khung uốn lượn rất cầu kì tinh xảo.

Ngay cửa chợ là khu bán hoa quả. Mùi hoa quả bốc lên thơm ngào ngạt. Mùi cam, mùi bưởi và cả táo lê, nho.. tạo nên một hương vị quyến rũ đặc biệt. Bây giờ hoa quả chỉ to và đẹp, khó mà tìm được cái hương vị thửa xưa. Bước qua rừng hoa quả, mẹ dẫn tôi vào khu bán vải ngay bên phải . Dì tôi ngồi bán ở đó. Dì thấy tôi liền kéo vào lòng và cho ngồi cạnh bên đống vải cao ngất. Sau này, tôi mới biết dì tôi hồi ấy là cơ sở liên lạc của Việt Minh nội thành. Giữa những đống vải ấy là tài liệu, công văn của Việt Minh được chuyển đến chuyển đi. Dì làm liên lạc.

Gọi cô bán chè sen đến, dì mua cho cháu một bát. Dì giữ tôi lại để mẹ rảnh tay đi sắm tết nhưng tôi xin được theo mẹ để đi xem các gian hàng. Thực ra, tôi chỉ muốn mẹ mua cho chóng xong để còn xin ra xem khu bán cây cảnh cá vàng cũng những con thú.

Những người buôn bán nhỏ tụ tập nói chuyện tại một góc chợ. Ảnh: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Tôi theo mẹ đến dãy đồ khô mua miến, mua măng, các gia vị và hộp mì chính Tàu sơn vàng. Tôi thích cái hộp này vì khi về mở ra , bà chia cho các cô mỗi người một ít còn tôi thì được cái hộp làm đồ chơi. Thời ấy tôm he là thứ không mấy khan hiếm. Người ta xâu tôm he vào những que tre dài mỗi xâu chừng năm con, phơi khô. Bà mua mấy xâu về nấu bóng, kèm theo là miếng bóng bì , gói miến Tàu làm từ đậu xanh, dăm lạng nấm hương, gói hạt tiêu, vài lạng bột các lọai…tôi chỉ đứng nhìn và chờ mẹ, chẳng thích thú gì cảnh mua bán. Thỉnh thoảng có người chào, bà lại bảo tôi: Cô ấy là người làng dưới Hoàng Mai đấy. Đi đâu cũng gặp người quen cả. Thấy mẹ mua mà cứ nói “Cho chị xin cân đậu xanh, xin mấy xâu tôm…Tôi hỏi : sao mình mua mà lại phải xin. Bà cười: ngừơi tử tế phải ăn nói cho tử tế con ạ.

Thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài đứng trước một quầy hàng. Ảnh: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Như thông lệ, mua sắm xong bao giờ bà cũng cho tôi đến xem hàng bán chim thú và cây cảnh. Tôi đứng thẫn người xem những chú khỉ bị xich tay bóc chuối ăn nhỏm nhẻm. Những con trăn cuộn tròn trong cũi sắt và bày cá vàng bụng tròn lượn lờ trong những âu thủy tinh . Bỗng thấy một ông đeo kính râm, mặc áo ba đờ xuy , đội mũ phớt lảng vảng quanh đấy. Mẹ rỉ tai tôi : “ông ấy là mật thám đấy. Người làng Hoàng Mai cả. Ông này chuyên rình kẻ trộm trong chợ”. Hồi ấy Hà Nội có câu nổi tiếng “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” nên ai vào đây cũng lo ngay ngáy sợ kẻ cắp móc túi. Chính quyền phải điều cả mật thám vào để rình kẻ cắp.

Mẹ đưa tôi qua dãy bán thịt. Những bàn xây ốp gạch men trắng ngăn nắp xếp thành dãy. Người ta bán thịt sống thịt chin đủ lọai. Bà dẫn tôi vòng qua chợ Bắc Qua mua thêm vài thứ lặt vặt. Tuy cùng một địa điểm nhưng cái chợ Bắc Qua phía sau thì chủ yếu bán rau, bán tôm cua cá và hàng từ ngọai thành đưa vào. Cả một rừng rau cỏ tươi đủ màu sắc. Tôi lẻn ra xem những con cá lăng to tướng hơn thước Tây đựợc chở vào bằng xich lô …

Người phụ nữ ngồi trên xích lô ở khu vực chợ Đồng Xuân, trên tay là một nải chuối, các loại hoa và rau. Ảnh: Viện Viễn Đông Bác Cổ

Sắm tết đã đủ, chúng tôi vào chào Dì để ra về. Có người đốt tờ giấy báo huơ huơ quanh sạp hàng. Tôi hỏi sao lại đốt? Dì bảo: họ đốt vía vì hàng ế không bán được.

Ra cửa, Mẹ tạt vào bà bán cà cuống mua lọ tinh cà cuống nhể ra ngay từ những con cà cuống sống đang bò lổm ngổm trong thúng. Làm bún thang mà không có thứ này thì hỏng hẳn. Bà mua về mấy con cà cuống thịt làm quà cho mấy chị em tôi ở nhà.

Bà gọi chiếc xích lô, đưa hai mẹ con về. Bác xích lô vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc xe đã về tới cửa.

Lớn lên , đi học, thỉnh thỏang lũ chúng tôi cũng rủ nhau ra Chợ Đồng Xuân nhặt chai thủy tinh, ống bơ làm kế họach nhỏ…Lúc ấy cửa chợ có đắp sa bàn trận chiến đấu quyết tử của Bộ đội ta ngày đầu kháng chiến.

Xa nhà, chẳng mấy khi có dịp lên chợ nữa. Thế rồi lần lượt mọi thứ đều biến mất. Tàu điện xưa không còn. Ngôi chợ đẹp thế mà bị dỡ bỏ không thương tiếc. Tôi có nhiều dịp được la cà trong những ngôi chợ ở Pari, ở Budapest và nhiều nơi khác…bên trời Âu. Chúng đều có kiến trúc na ná như chợ Đồng Xuân xưa. Người ta giữ những ngôi chợ cổ và giữ mọi họat động trong chợ như một báu vật sống của văn hóa.

Lắm đêm không ngủ, tôi tự hỏi: sao lại nỡ đập nó di.

Nằm mãi ngủ thiếp đi và cái chợ Đồng Xuân thuở ấy, lại hiện về. Tôi mơ thấy mẹ hiện về và dắt tay tôi vào cửa chợ. Ôi những chuyến đi của thời thơ ấu đẹp biết bao.    

                                                                            Hà Nội 2009